"Khuyến học - Fukuzawa Yukichi", từ tư tưởng của một triết gia Nhật Bản thời Minh Trị suy rộng ra Việt Nam trong thời hiện đại
I . Sơ lược về bối cảnh lịch sử Nhật Bản trước thời kỳ Minh Trị Duy tân
Sau sự kiện những chiếc "tàu đen" nằm dưới quyền của phó đô đốc Matthew C. Perry - người chỉ huy hải đoàn Đông Ấn (East India Squadron) gây sức ép lên chính quyền Mạc phủ buộc Mạc phủ Tokugawa phải mở cửa sau hơn 200 năm bế quan tỏa cảng nhằm mục đích bắt buộc Nhật Bản thông thương với các quốc gia phương Tây, kéo theo việc Nhật Bản mở cửa là nỗi bất bình trong các tầng lớp dân chúng, quý tộc, võ sĩ tăng cao vì cho rằng "Mạc phủ Tokugawa hèn nhát, bán rẻ quyền lợi và danh dự đất nước cho phương Tây", đỉnh điểm là cuộc chiến tranh Mậu Thìn ( Boshin War ) đã dẫn tới việc chấm dứt 265 năm cầm quyền của Mạc phủ Tokugawa và lẽ dĩ nhiên, quyền lực tối cao của Nhật Bản - một lần nữa quay trở lại vào tay thiên hoàng, vị thiên hoàng trẻ tuổi Mutsuhito - người mà sau này được biết với tên gọi Thiên hoàng Minh Trị ( 1852 - 1912 ) .
II . Minh Trị Duy tân
Thời kì Minh Trị Duy tân ( 1868 - 1912 ) đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Nhật Bản khi mà Nhật Bản chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, họ sẵn sàng vứt bỏ các hủ tục, các giá trị nho học cũ kỹ để tiếp thu những cái mới, tân tiến từ phương Tây, mặc dù trước đó Nhật Bản đó có bộ môn Hà Lan học ( Rangaku ) nhưng cho đến thời điểm đó, các kiến thức trong đó đã lỗi thời, không còn hữu ích, xã hội Nhật Bản dưới sự điều hành của chính phủ Minh Trị bắt đầu hoạt động theo một phương cách mới, lần đầu tiên trong lịch sử châu Á tồn tại một hiến pháp - Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản, song song với đó thì số lượng trường học và bệnh viện bắt đầu tăng nhanh một cách đáng kể, chương trình học cũng được cải cách để trở nên thực tế hơn, các cuộc thi tuyển chọn công chức từ cơ sở đến trung ương đều dựa trên các môn học mang tính chất áp dụng cao, chính phủ Minh Trị thực hiện một loạt các cải cách lớn tại nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, quốc phòng, y tế, ... , sau một khoản thời gian dài chịu nhịn nhục và cố gắng, Nhật Bản đã phát triển vượt bậc, các cột mốc đánh dấu lớn đó chính là việc Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Thanh - Nhật ( 1894 - 1895 ) tiếp sau đó là việc Quân đội Đế quốc Nhật Bản giành được chiến thắng trước Quân đội Đế quốc Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật ( 1904 - 1905 ) - lần đầu tiên một quốc gia châu Á đánh bại một cường quốc châu Âu.
III . Fukuzawa Yukichi và ảnh hưởng của tư tưởng của ông đối với Minh Trị Duy tân
Đầu tiên chúng ta hãy cùng nhau xem xét, chắc hẳn có lý do gì mà chân dung của Fukuzawa Yukichi mới được tại vị một cách trang trọng trên mặt trước của tờ tiền mệnh giá 10.000 yen - tờ tiền có mệnh giá cao nhất trong số các tờ tiền đang lưu hành của Nhật Bản thời hiện đại .
Fukuzawa Yukichi được xem như là một nhà khai sáng, một nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản thời kì Minh Trị, người Nhật thường hay gọi ông là "Voltaire của Nhật Bản", tư tưởng của ông dường như đã dẫn dắt, đã cùng đồng hành với người dân Nhật xuyên suốt thời kì Minh Trị, các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm có "Khuyến học", "Bàn về văn minh", ... có nhiều giá trị không chỉ trong quá khứ mà thậm chí đến ngày hôm nay
Ở đây, tác giả bài viết xin phép được trích dẫn và lạm bàn đến một số câu nói của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - "Khuyến học" , từ đó suy rộng ra các vấn đề còn đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam chúng ta thời nay .
Ở đây, tác giả bài viết xin phép được trích dẫn và lạm bàn đến một số câu nói của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - "Khuyến học" , từ đó suy rộng ra các vấn đề còn đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam chúng ta thời nay .
Hai phía, dân và chính phủ bàn bạc cùng nhau thỏa thuận về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên như nêu trên, quan hệ giữa nhân dân và chính phủ là như vậy .
Có thể nhận thấy rằng ở Việt Nam ta hiện nay nhiều người chưa ý thức được các quyền và nghĩa vụ riêng biệt của mình đối với bản thân cũng như đối với xã hội, hiện hữu trong xã hội Việt Nam ta, người ta vẫn thường hay lẫn lộn quyền và nghĩa vụ với nhau, giữa các quyền hợp pháp và không hợp pháp .
( ...) Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không mảy may lo lắng về vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi.
Suy nghĩ này chắc hẳn tồn tại thường trực trong tâm trí của rất nhiều người, người Việt xưa có câu "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", đến bây giờ ý nghĩa của câu nói này càng bị biến tướng, bản thân tác giả từng chứng kiến một bạn tham gia chiến dịch Mùa hè xanh nhưng bị gia đình ngăn cấm vì .. làm thế vừa hao tốn sức khỏe bản thân nhưng chỉ có lợi cho người khác (?), chuyện thường thấy hơn là việc người Việt có câu nói mà chắc hẳn ai cũng từng nghe qua, câu nói "Ăn rau muống nói chuyện thế giới" mà đáng buồn hơn lại xuất phát từ chính miệng các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, hiện trạng đáng buồn về khả năng nhận thức chính trị và tư tưởng của các bạn trẻ đã dẫn tới việc lệch lạc trong tư tưởng, không có lập trường chính trị rõ ràng, các bạn trẻ hồ hởi tiếp nhận các bài viết chính trị ba xu trên các trang mạng xã hội, không hồ nghi, không nghĩ ngợi, không cần kiểm chứng, điều đó dẫn tới các hành động đáng tiếc, vụ việc xảy ra ở Bình Thuận là một ví dụ tương ứng vậy.
Nỗi hổ nhục của cá nhân cũng chính là nỗi hổ nhục của quốc gia
Người ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội vậy, các cá nhân còn có vai trò nhỏ hơn trong việc cấu tạo nên xã hội, một cá nhân không làm nên xã hội nhưng nhiều cá nhân thì sẽ tồn tại xã hội, đa số các cá nhân trong xã hội chúng ta vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của bản thân trong xã hội chưa chú tâm đến việc rèn luyện tính cách cho con trẻ từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, điều này vô hình trung hình ảnh người Việt trên thế giới vô tình bị bôi xấu, làm mờ đi chỉ vì vài cá nhân thiếu đạo đức , điều này thật đáng hổ thẹn .
Không thể có miếng ăn ngon nếu chỉ là cái "tủ kiến thức"
Lòng tham, về cơ bản nó không xấu xa, tham kiến thức, tham làm điều thiện là việc tốt, tuy nhiên ở đây tác giả bài viết xin được phép chỉ trích những chiếc "tủ kiến thức" - những người ham danh, ham chức tước, những cá nhân chỉ mong muốn kiếm được một học vị danh giá rồi ngồi chễm chệ ở đó ăn tiền lương từ túi của nhân dân, từ nhà nước, đây là một vấn đề rất nhức nhối bị kéo theo bởi tư duy nho học cũ kỹ đã in sâu vào tâm trí người dân chúng ta .
Nếu Nhật Bản là phương tây ...
Đây là bài viết theo bản thân tôi cảm thấy đắt giá nhất của tác giả Fukuzawa Yukichi xuyên suốt tác phẩm "Khuyến học", những chi tiết trong bài viết đến bây giờ vẫn còn phù hợp 100% đối với Việt Nam ta, chỉ cần thay từ "Nhật Bản" thành từ "Việt Nam" và từ "phương Tây" thành từ "Nhật Bản" hoặc "Hàn Quốc" hoặc giữ nguyên hẳn, chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng người Việt Nam hiện nay có tư duy chẳng khác gì người Nhật 150 năm trước vậy, mà chẳng phải chỉ có người Việt, bất cứ một dân tộc nào đang trong quá trình tiến bước cũng rất dễ bị xoay vòng quanh các hình tượng là các dân tộc đã đi trước , điều này dẫn đến việc người ta tôn thờ, người ta sùng bái những nền văn hóa mà người ta cho là vượt trội hơn, nhìn xem ở chúng ta hiện giờ, cách đây tầm 10 năm, chúng ta sùng bái phương Tây, coi phương Tây là hình mẫu lý tưởng cho tất cả mọi lĩnh vực, công việc trong đời sống thì đến nay chúng ta lại sùng bái Nhật Bản, Hàn Quốc, thay vì học tập biết chọn lọc thì đại đa phần người dân chúng ta sẵn sàng ôm toàn bộ những gì của họ về để áp dụng y chang mặc dù điều kiện về tự nhiên, về con người có thể không phù hợp với Việt Nam ta, từ việc nhỏ nhặt như cách nuôi dạy con cái cho đến việc lớn như định hình tư tưởng, lối sống, một số lượng lớn người mong muốn mang cả lối sống của người Nhật để áp đặt vào lối sống của người Việt Nam, ôm cả cái tốt và những cái xấu, họ sẵn sàng mạnh tay gạt bỏ đi những truyền thống đáng được xem xét, các talkshow nói về lối sống ở Nhật hoặc Hàn Quốc hoặc phương Tây luôn đông đúc người xem và người tham dự trong khi những talkshow về văn hóa, lịch sử nước nhà luôn luôn thiếu vắng người xem, tệ sùng bái ngoại quốc là việc đáng báo động ở nước ta vậy.
*Toàn bộ bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả a.red.fox này, các cá nhân khác có những suy nghĩ, tư tưởng khác có thể tranh luận trực tiếp ở dưới phần comment, tác giả sẽ cố gắng tranh luận và tiếp thu.
*Đây là bài đăng đầu tiên của tác giả a.red.fox ở spiderum nên không thể tránh khỏi sai sót, mong mọi người góp ý và rộng lượng bỏ qua.
a.red.fox xin cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian ra đọc bài viết này.
Nhận xét
Đăng nhận xét